Căn bếp được đánh giá là một khối chức năng phức tạp nhất trong tổng thể căn hộ chung cư, đòi hỏi nhà thiết kế nội thất mang đến giải pháp tổng thể cả về nội thất lẫn kỹ thuật thì mới đảm bảo được cho gia chủ một không gian bếp thực sự tiện nghi, thoải mái khi sử dụng dù lựa chọn theo bất cứ phong cách nào. Qua bài viết này TCKT chia sẻ một số lời khuyên từ chuyên gia để thiết kế không gian bếp cho căn hộ chung cư.
Bản thiết kế nên tính đến phương án sử dụng thiết bị gia dụng
Trên thực tế, khi thiết kế nội thất chưa phát triển tại Việt Nam, nhiều gia chủ đa phần tự ý mua đồ và thuê lắp đặt nội thất rời, dẫn đến hậu quả là sự không ăn khớp giữa thiết bị với nội thất, gây bất tiện đáng kể trong quá trình sử dụng.
Đối với căn hộ chung cư, không gian bếp phổ biến có diện tích từ 15m2 đến 25m2, và thường được cộng hưởng với phòng khách, trở thành tâm điểm thu hút của căn nhà. Vậy nên tính công năng thẩm mỹ của không gian này, càng cần phải được chú trọng để không phá vỡ đi concept thiết kế của tổng thể không gian. Nhà thiết kế nội thất Lưu Việt Thắng – Phó trưởng khoa, phụ trách khoa trang trí Nội ngoại thất, trường ĐH Mỹ Thuật Công Nghiệp chia sẻ: “Một bản thiết kế đáp ứng yêu cầu cho căn bếp thì phải tính toán hợp lý phương án sử dụng thiết bị gia dụng của gia chủ. Thậm chí, nhà thiết kế phải đưa ra những gợi ý ngay từ ban đầu để gia chủ lựa chọn các thiết bị phù hợp với diện tích và bố trí mặt bằng của không gian đó.”
Cụ thể, ông cho biết: Tính công năng của căn bếp vô cùng quan trọng, bởi không gian này đòi hỏi sự tính toán chi tiết về kỹ thuật của nhiều yếu tố như: Hệ tủ bếp (kitchen cabinet) cùng các phụ kiện đi kèm, hệ khối đường nước và ống dẫn nước, hệ khối thiết bị gia dụng và đường dẫn điện,…Điểm đặc biệt là các thiết bị đều có mối liên kết chặt chẽ với nhau theo hành trình sử dụng trong đời sống hàng ngày của gia chủ. Do vậy, chỉ cần một bộ phận không hoạt động hiệu quả, hay bất hợp lý, đã đủ để tạo nên sự bất tiện, khó chịu sau này của người sử dụng.
Vì vậy, vai trò của nhà thiết kế nội thất là hình dung được một cách cụ thể và chi tiết quá trình sử dụng căn bếp từ khâu lấy thực phẩm, rửa, chế biến, ăn uống và rửa chén bát, sẽ tương ứng với vị trí và hình thức tổ chức của không gian ra sao cho hợp lý. Tiêu biểu như, khi xem xét khu vực đặt máy lọc nước, cũng cần chú ý đến vị trí đường ống lấy, thoát nước trong mối tương quan với đường nước sử dụng cho việc rửa, và cả kích thước máy sao cho vừa vặn với tủ bếp.
Xu hướng thiết kế bếp hiện đại, tối giản trong căn hộ chung cư
Theo chuyên gia, những năm gần đây, xu thế thiết kế không gian bếp tối giản, hiện đại ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt ở các căn hộ chung cư, bởi lối thiết kế này cho phép họ tiết kiệm được diện tích chiếm giữ của đồ nội thất, mà vẫn giữ được vẻ tinh tế, tạo nên cảm giác thoải mái khi trải nghiệm. Trong nguyên lý thiết kế căn bếp, có một thuật ngữ thú vị là “thu vén và cất giữ”, nghĩa là cố gắng giấu mọi thứ đi có thể và chỉ hiện diện ra những vật dụng hay dùng nhất, để đảm bảo không gian không bị vô tình lộ ra sự gồ ghề, vướng mắc.
Về mặt thẩm mỹ, sự ăn khớp của các thiết bị với nội thất, đặc biệt là nội thất gắn tường, chính là chìa khóa cho sự gọn gàng, khoáng đạt của không gian này.
Quan điểm này cũng ảnh hưởng không nhỏ tới xu hướng lựa chọn các thiết bị gia dụng. Ví dụ, với thiết bị lọc nước, các chuyên gia thiết kế nội thất thường ưu tiên lựa chọn sản phẩm có kích thước nhỏ gọn, dễ dàng lắp đặt dưới chậu rửa hay trên mặt bàn bếp. Ngược lại, từ phía các thương hiệu cung cấp thiết bị cũng chủ động cải tiến sản phẩm cả về công năng sử dụng lẫn thiết kế kiểu dáng, đặc biệt các thương hiệu toàn cầu như A. O. Smith, thương hiệu đến từ Mỹ, tiên phong dẫn dắt xu hướng máy lọc nước thiết kế nhỏ gọn tại Việt Nam.
Không gian bếp được mệnh danh là trái tim của căn nhà. Đó là nơi những món ăn được nấu, và là không gian lưu giữ những khoảnh khắc ấm áp của gia đình. Chỉ khi thực sự hiểu về căn bếp, và đưa ra một giải pháp thiết kế tổng thể mới được xem là một thành công của nhà thiết kế.
Phương Vũ – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc